Giáo dục bằng lòng bao dung
Giáo dục theo lối trừng phạt là cách giáo dục dễ thực hiện nhất, nhưng đem lại hậu quả khủng khiếp nhất. Không chỉ người nhận sự trừng phạt cảm thấy đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, nó còn như một vết hằn sẽ đeo bám đứa trẻ đến nhiều năm sau mà rất khó phai mờ. Tâm trí những đứa trẻ là những tờ giấy trắng mới bắt đầu được tác hoạ lên, nên bất cứ thứ gì găm vào tâm trí chúng theo cách bạo lực, gây đau đớn hay sợ hãi, chúng sẽ trở thành một thứ chất liệu khiến cho đứa trẻ sẽ thực hiện các hành vi có tính phản ứng phòng vệ và đáp trả.
Không chỉ vậy, trừng phạt sẽ tạo thành một thói quen đối với người dạy, nó sẽ dần tước đi mất chính cái tâm trí con người trong hành xử của nhà giáo. Nó sẽ tăng dần về mức độ và tệ hơn là nó sẽ gây ra cảm hứng đạt được sự thoả mãn của người dạy. Nó kích thích cho việc thực hiện những sự trừng phạt một cách thường xuyên hơn, như một giải pháp hữu ích và nhanh chóng đem lại kết quả cho người đặt ra. Nhưng một hệ quả kéo theo là, người học sẽ dần trở nên chai lỳ, sau đó là tìm mọi cách để, nếu không thể tuân phục mệnh lệnh hay các yêu cầu, đòi hỏi của giáo viên, thực hiện mọi hành vi dối trá và gian xảo để qua mắt giáo viên của mình.
Trừng phạt không phải là một phương pháp giáo dục và nó không nằm trong mọi nội dung của giáo dục, từ trước cho đến nay. Do vậy, trừng phạt là những hành vi phản giáo dục, thậm chí gây hại cho tất cả và huỷ hoại môi trường sư phạm. Người ta không học được gì từ các sự trừng phạt, mà nó đưa tới những sự đối phó và đối kháng để trốn tránh hay chống trả nhiều hơn từ các phía trong tương tác giáo dục.
Trừng phạt, nếu được áp dụng trong trường học, mỗi chúng ta sẽ hình dung ra ngay một cảnh tượng, các ngôi trường như những trại cải tạo để nhằm cải sửa hay phục hồi nhân cách con người, trong khi những đứa trẻ đến trường là đang tìm đến một sự tiếp nhận để hoàn thiện những phẩm chất đang cần được bồi đắp của mình. Những đứa trẻ chưa thể đủ khả năng để hiểu hết những giá trị hay sự hợp lý của các hành xử, chính vì vậy, trừng phạt sẽ chỉ đem đến tâm lý tiêu cực và ác cảm đối với thể lý của những tâm hồn chỉ có ham muốn được yêu thương và kết nối trong hoà bình, sự tôn trọng.
Trừng phạt sẽ tạo ra những nghịch cảnh khốc liệt, nó phá huỷ mọi giá trị và các bài học nội dung cũng như phương pháp của giáo dục. Và có vẻ như nó, sự trừng phạt, đang bị hiểu nhầm và do đó đã bị đánh đồng vào việc để đảm bảo và cần phải duy trì nguyên tắc quản lý, điều hành hay các nội quy của nhà trường. Họ nhầm lẫn ở chỗ, đã có nguyên tắc và nội quy thì tất phải có kỷ luật để bảo đảm cho những thứ nguyên tắc đó. Nhưng trừng phạt không phải là kỷ luật, vì rằng, kỷ luật không phải là tấn công vào người học và cưỡng buộc, bức áp họ thực hiện những chế tài nhằm để khắc phục lại cái nguyên tắc đã bị vi phạm. Kỷ luật đơn giản chỉ là thực hiện các biện pháp chỉ ra cái thiệt hại, rằng, khi người học không tuân thủ những quy chế và hoà mình vào không gian và khung cảnh giáo dục, chính người học sẽ không còn nhận được sự đồng thuận, chia sẻ của những người cùng học và của cả giáo viên, họ sẽ bị nhắc nhở và rồi sẽ được giải quyết với phụ huynh trong một phòng họp riêng biệt.
Bởi vậy cho nên, không một ngôi trường nào và không một hệ thống giáo dục nào sẽ đặt ra hay là duy trì bất kể một loại hình phạt có tính trừng phạt nào nhằm vào người học. Kỷ luật phải hết sức hạn chế và không nhằm tấn công vào người học và không được đánh đồng với các biện pháp trừng phạt có tính xâm hại vào thể lý cũng như tinh thần.
St