Tôn vinh giá trị và nét văn hoá về loài tre

Từ rất lâu hình ảnh cây tre đã trở nên thân thuộc, gần gũi với người dân Việt Nam. Tre chứa nét văn hóa độc đáo mà khi nhắc đến mỗi người đều gợi lên hình ảnh làng quê thanh bình đầy cảm xúc. Cây tre gắn liền với hình ảnh ngôi làng quê thấp thoáng sau rặng tre xanh tốt, không chỉ là đặc trưng của không gian sinh tồn mà còn là đặc trưng văn hóa – thẩm mỹ riêng chỉ có ở làng quê Việt.

Tre việt nam

Về giá trị tinh thần

Tre là người bạn đồng hành thân thiết của người dân Việt trong quá trình đấu tranh giữ nước và dựng nước. Không phải ngẫu nhiên sự tích loài tre thân vàng được người Việt gắn với truyền thuyết về Thánh Gióng, hình ảnh Thánh Gióng nhổ bụi tre đằng ngà đánh đuổi giặc Ân đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng thần kỳ, đột phá của dân tộc ta đối với những kẻ thù xâm lược lớn mạnh.

Tre là biểu trưng rõ ràng nhất cho những đức tính cao đẹp của con người Việt Nam: sự ngay thẳng, cần cù, siêng năng, đức hy sinh, sự bền bỉ, chịu đựng kiên cường, tinh thần bất khuất. Nhìn cây tre, người ta suy nghĩ ngay đến triết lý: “tre già măng mọc”, “tre non dễ uốn”,…

Với sức sống mãnh liệt và tinh thần lạc quan, tre mọc thành từng chùm thể hiện tính quần tụ, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Loài tre dẻo dai, dù trải qua bao nhiêu sóng gió vẫn hiên ngang oằn mình gánh chịu mọi thứ để rồi những thế hệ măng non lại tiếp tục ra đời bảo tồn cho sự phát triển bền vững.

Tre việt nam

Cây tre đã gắn với tuổi thơ nhiều người qua lời ru của bà, của mẹ, nuôi dưỡng bao tâm hồn trẻ thơ bên cánh võng ầu ơ.

Trong văn chương, hội họa, thơ ca tre đã rất quen thuộc, là biểu tượng cho nhiều cảm hứng nghệ thuật.  Có biết bao câu ca, điệu hát, câu chuyện nói về loài tre. Nhiều nhà thơ, nhà văn đã chọn hình ảnh cây tre làm đề tài như Thép Mới, Nguyễn Duy, bài hát “mấy nhịp cầu tre ” của nhạc sĩ Khánh Băng…. Tre còn góp mặt trong những làn điệu dân ca, điệu múa sạp phổ biến hầu khắp cả nước.

Hình ảnh măng non được lấy làm biểu trưng trên phù hiệu của thiếu nhi Việt Nam – biểu trưng cho thế hệ mầm non, tương lai của đất nước.

Về giá trị vật chất

Tre là vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, là vẻ đẹp của nền văn hóa lâu đời. Không chỉ có giá trị tinh thần to lớn, loài tre còn mang lại những lợi ích vật chất đáng kể qua những đóng góp của nó. Tre đã không ngại thân mình, hy sinh tất cả mọi thứ từ gốc rễ đến ngọn để cho ra đời những vật dụng, những sáng tạo đồ vật hữu ích. Tre mang lại những giá trị vật chất từ nông-công nghiệp đến thủ công mỹ nghệ, y học, thực phẩm, âm nhạc.

Ly, ấm trà bằng tre

Ly, ấm trà bằng tre

Tre dùng làm thức ăn: măng tre là thức ăn quen thuộc được dùng từ xưa đến nay, măng tre ăn rất ngon có thể nấu canh hoặc ăn sống đều được.

Trong xây dựng gỗ tre rất chắn chắn được dùng làm nhà, lợp mái, nhà tre rất thoáng và mát. Cành gai nhọn bó với nhau làm hàng rào, nơi trú ẩn của những loài cá.

Kiến trúc tre, nội thất tre - Cao cấp

Kiến trúc tre, nội thất tre – Cao cấp

Trong công nghiệp: dùng để sản xuất giấy, chất đốt diesel.

Trong nông nghiệp: tre dùng để đan các loại rổ, rá, nông nia, cối xây tre làm ra các dụng cụ lao động như đòn gánh, quang, ngoài ra tre còn được dùng làm phân bón giúp ổn định đất trồng và cải thiện đất rất tốt.

Trong y học: lá tre dùng chữa một số bệnh như ngứa, chảy máu, hen xuyễn,…

Tre còn làm ra các dụng cụ âm nhạc như đàn tơ- rưng, sáo, đàn gió, diều sáo, tiêu,…

Đàn T'rưng - Tây Nguyên - Việt Nam

Đàn T’rưng – Tây Nguyên – Việt Nam

Đối với thủ công mỹ nghệ tre là được ưa chuộng làm đồ thủ công, trang trí nhà cửa như: khung tranh ảnh, bát, đĩa, tăm xỉa răng, đũa, giường, bàn ghế, tủ hay những chiếc nôi, hay thậm chí là những chiếc kẹp tóc xinh xắn,…

Tre có thể dùng làm thuyền bè đi lại trên sông nước như bè, thuyền thúng, thuyền nan, hay những vật dụng đánh bắt cá như: cần câu, vó bè, nơm,…

Thuyền thúng tre - Đánh cá

Thuyền thúng tre – Đánh cá

Tre hầu như có mặt mọi nơi trong đời sống vật chất của con người, được mọi người tận dụng từ bao đời nay, nhiêu đó thôi cũng đủ thấy tre có vai trò và tầm quan trọng như thế nào đối với cuộc sống của người dân Việt.

Cây tre đã đi vào văn hóa Việt Nam với một hình ảnh bình dị nhưng đầy sức sống, tre là sự tổng hợp một cách hoàn chỉnh nhất cho những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam. Kim Danh hy vọng người chúng ta giữ gìn giá trị và nét văn hóa về loài tre – biết mềm dẻo nhưng cũng thật mạnh mẽ, cùng nhau góp phần xây dựng một xã hội – một đất nước Việt Nam đoàn kết, bền vững.

0938 27 09 77